VIÊM THỊ THẦN KINH
admin
2020-05-31T22:33:29-04:00
2020-05-31T22:33:29-04:00
http://ttythamyen.vn/thong-bao-moi/viem-thi-than-kinh-36.html
http://ttythamyen.vn/uploads/news/2020_05/2.jpg
Trung Tâm Y Tế Huyện Hàm Yên
http://ttythamyen.vn/uploads/logo-ttyt-hy_2.png
Thứ sáu - 15/05/2020 04:04
VIÊM THỊ THẦN KINH Viêm thị thần kinh là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác (có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ, tại một điểm nào đó hay toàn bộ chiều dài của dây thần kinh).........
Ca lâm sàng: VIÊM THỊ THẦN KINH
Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên đã xử trí thành công một trường hợp bệnh nhân nữ, 26 tuổi, thường trú tại xã Phù Lưu, Hàm Yên, Tuyên Quang, đi khám vì mắt trái nhìn mờ đột ngột.
Trước ngày vào viện 05 ngày, mắt trái bệnh nhân bị mờ đột ngột, bệnh nhân đã đi khám ở một cơ sở KCB Tư nhân, được chụp MRI và được chẩn đoán mắt trái Viêm thị thần kinh và được tư vấn đi điều trị tại bệnh viện tuyến trung ương. Do điều kiện gia đình, bệnh nhân không đi tuyến trên được, nên đã đến Trung tâm Y tế huyện Hàm Yên khám và điều trị ngày 29/3/2020.
Khi nhập viện, tình trạng toàn thân bệnh nhân ổn định.
Thị lực mắt trái ĐNT 01 m, mắt phải 10/10. Nhãn áp hai mắt bình thường.
Khám mắt trái thấy có dấu hiệu tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm, bán phần trước bình thường, dịch kính trong, gai thị cương tụ, bắt đầu có dấu hiệu xóa mờ bờ gai, phù nhẹ võng mạc vùng hậu cực.
Khám mắt phải không phát hiện gì đặc biệt.
Các xét nghiệm thường quy trong giới hạn bình thường.
Chẩn đoán xác định: mắt trái viêm thị thần kinh cấp, mắt phải bình thường.
Bệnh nhân đã được hội chẩn chuyên khoa, thống nhất chỉ định bệnh nhân nhập viện, áp dụng phác đồ điều trị: truyền tĩnh mạch Methyl Prednisolon liều cao 480mg/ngày, trong 5 ngày.
Sau 05 ngày điều trị, thị lực mắt trái tăng lên 9/10. Khám mắt trái phản xạ đồng tử bình thường, bán phần trước bình thường, dịch kính trong, gai thị hồng, bờ rõ, mạch máu trong gai bình thường, võng mạc vùng hậu cực hết phù.
Bệnh nhân được ra viện, dùng thuốc theo đơn: Methyl Prednisolon đường uống với liều 1 mg/kg cân nặng, trong 01 tuần đầu tiên và giảm liều dần trong 03 tuần tiếp theo.
Khám lại sau 04 tuần, bệnh nhân phục hồi hoàn toàn thị lực mắt trái về mức 10/10. Hiện thị lực hai mắt của bệnh nhân hoàn toàn bình thường.
VIÊM THỊ THẦN KINH
Viêm thị thần kinh là hiện tượng viêm, nhiễm khuẩn cấp tính hoặc mạn tính xảy ra trên dây thần kinh thị giác (có thể chỉ ở một phần hoặc toàn bộ, tại một điểm nào đó hay toàn bộ chiều dài của dây thần kinh).
Dây thần kinh thị giác là một trong 12 đôi dây thần kinh sọ, có chức năng dẫn truyền các tín hiệu hình ảnh từ võng mạc về thùy não chẩm để phân tích. Từng dây đảm nhận nhiệm vụ cho từng mắt, trên một quang trường riêng biệt. Hai dây thần kinh thị giác có đường đi đối xứng nhau về hai bên bán cầu não
Viêm dây thần kinh thị giác thường gặp gặp ở đối tượng thanh niên đến trung niên (từ 20 – 45 tuổi), tuổi trung bình khởi phát là khoảng 30 tuổi. Người ngoài 45 tuổi hay trẻ em cũng có thể mắc bệnh này nhưng với tỷ lệ ít hơn. Ngoài ra, người ta còn thấy tỷ lệ phụ nữ mắc viêm dây thần kinh thị giác nhiều gấp đôi nam giới.Nguyên nhân có thể là bệnh lý nhiễm trùng, mất myelin, viêm tự miễn hoặc bệnh lý khác của hệ thần kinh trung ương, viêm mũi xoang.
Chẩn đoán xác định: Các triệu chứng về mắt: thị lực giảm, đau nhức mắt khi vận động nhãn cầu, thay đổi sắc giác, thay đổi thị trường ...
Bán phần trước bình thường. Soi đáy mắt có thể thấy hình ảnh của viêm gai thị hoặc đáy mắt bình thường nếu tổn thương thị thần kinh hậu nhãn cầu.
Các chỉ định cận lâm sàng: chụp cắt lớp quang học bán phần sau nhãn cầu, cộng hưởng từ sọ não hốc mắt.
Chẩn đoán nguyên nhân: xét nghiệm huyết thanh tìm căn nguyên nhiễm trùng cũng như kháng thể tự miễn và xét nghiệm dịch não tủy.
Điều trị: phụ thuộc vào từng bệnh cảnh và nguyên nhân.
Nguyên nhân nhiễm trùng: phải dùng kháng sinh đường toàn thân.
Nguyên nhân viêm hoặc mất myelin: khởi phát bằng corticoid liều cao truyền tĩnh mạch rồi giảm liều dần bằng đường uống. Liệu pháp corticoid đường truyền có vai trò quan trọng trong phục hồi chức năng thị giác và kiểm soát tiến triển bệnh dù là hình thái viêm nào. Trong viêm thị thần kinh liên quan tới bệnh xơ cứng rải rác, khởi phát điều trị bằng corticoid đường uống không những không có lợi mà còn làm tăng nguy cơ tái phát ở mắt cũ và có thể khởi phát đợt viêm cấp ở mắt còn lại.
Bệnh nhân viêm thị thần kinh dù chưa có tổn thương hệ thần kinh trung ương và thị lực phục hồi tốt sau điều trị nhưng vẫn cần được theo dõi. do đó người bệnh nên đi khám theo hẹn của bác sĩ.
LIỆU PHÁP CORTICOSTEROIDE LIỀU CAO (Pulse Steroid)
Bệnh lý viêm thị thần kinh là một trong những bệnh lý gặp tương đối ít trên lâm sàng. Khám đánh giá phát hiện sớm là điều vô cùng quan trọng, nó góp phần quyết định đến kết quả điều trị. Sử dụng Corticosteroids tương đối trên lâm sàng. Nhưng với những trường hợp sử dụng liều cao thì cần phải có sự hỗ trợ từ các chuyên khoa khác nhau, đây là thuận lợi của các bệnh viện đa khoa.
Glucocorticoids được sử dụng chống viêm trong nhiều bệnh lý từ cách đây khoảng 50 năm . Trong hầu hết các trường hợp có sử dụng Steroids thì việc dùng đường uống luôn được ưu tiên với liều nhỏ nhất nhưng vẫn đảm bảo tình trạng bệnh thuyên giảm. Ca bệnh đầu tiên được sử dụng tiêm Steroids liều cao vào năm 1969 khi đó việc sử dụng đạt được thành công nhằm mục đích chống lại việc thải ghép thận. Sau đó hàng loạt các trường hợp như bệnh lý về thận, bệnh tự miễn cũng đã được áp dụng liệu pháp Steroid liều cao.
Liệu pháp Steroids liều cao được biết như là việc điều chỉnh liều dược lý của thuốc nhằm tăng cường khả năng điều trị, giảm thiểu các tác dụng phụ do thuốc. Theo khuyến cáo, liều trung bình ở người lớn từ 1-2g Methyl Prednisolone, trẻ em từ 20-30 mg/kg sử dụng trong 1 lần (pulse), được truyền trong 20-30 phút, tuy nhiên khi truyền nhanh dễ gây rối loạn huyết động vì vậy Methyl Prednisolon nên được pha với 150-200 ml Glucose 5% truyền chậm trong 1-3h . Liều tiếp có thể cách sau 24-28h, thường dùng từ 3-6 liều “pulse”, về sau có giữa các liều có thể tăng dần khoảng cách 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng.
Truyền Steroid liều cao thường có liên quan đến các biến chứng nguy hiểm: hạ huyết áp trung bình, tăng huyết áp, rối loạn tâm thần kinh (rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính cách, rối loạn hành vi), tăng đường huyết, hạ Kali máu, rối loạn điện giải, sốc… Do vậy mà bệnh nhân cần được theo dõi sát tình trạng toàn thân trong suốt quá trình điều trị, cần phối hợp của cả bác sĩ chuyên khoa mắt và các bác sĩ của các chuyên khoa khác trong việc xử trí các biến chứng có thể xảy ra.